Ngày Khí tượng thế giới hàng năm là ngày nào? Chủ đề năm 2024 là gì?
Ngày Khí tượng Thế giới ra đời vào ngày 23 tháng 3 năm 1950, kể từ khi Công ước thành lập Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) có hiệu lực. Công ước này thể hiện sự đóng góp thiết yếu của các Cơ quan Khí tượng Thủy văn quốc gia đối với sự an toàn và thịnh vượng của xã hội.
Ngày Khí tượng thế giới năm 2024 rơi vào Thứ Bảy ngày 23/3/2024
Chủ đề ngày Khí tượng thế giới năm 2024 là gì?
Ngày Khí tượng thế giới 23 tháng 3 năm 2024 được Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) phát động với chủ đề là “At the frontline of climate action” , “Khí tượng thủy văn tiên phong ứng phó biến đổi khí hậu”. Qua đó, có thể thấy những nỗ lực dự báo, cảnh báo sớm và chủ động hành động vì khí hậu là vấn đề toàn cầu nhằm tăng cường khả năng phục hồi và ứng phó rủi ro thiên tai, đẩy mạnh giảm phát thải khí nhà kính góp phần giải quyết khủng hoảng khí hậu.
Hưởng ứng chiến dịch giờ Trái đất?
Chiến dịch Giờ Trái đất năm 2024 được Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF) phát động với chủ đề “Reducing Carbon footprint towards Net Zero” - “Giảm dấu chân Carbon – Hướng tới Net Zero”. Thông điệp này nhấn mạnh vai trò quan trọng trong hành trình hướng tới Netzero, đồng thời kêu gọi các quốc gia cùng hướng tới một nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững. Trong đó, áp dụng các giải pháp dựa vào thiên nhiên, mở rộng các hành lang đa dạng sinh học, các khu bảo tồn; giảm thiểu phát thải; chuyển đổi năng lượng tái tạo trong các lĩnh vực; đổi mới sáng tạo khoa học công nghệ nhằm giảm áp lực lên môi trường tự nhiên.
Đây cũng là dịp để Việt Nam thể hiện vai trò, trách nhiệm và sự nỗ lực của mình tại Hội nghị Thượng đỉnh về Biến đổi khí hậu của Liên Hợp quốc lần thứ 28 (COP 28) để cùng với thế giới hướng tới mục tiêu NetZero vào năm 2050.
Các cơ quan, tổ chức, cá nhân cùng tổ chức hoạt động “Tắt đèn và tắt các thiết bị điện không cần thiết” từ 20h30 đến 21h30 ngày 30 tháng 3 năm 2024 (Thứ Bảy); duy trì thường xuyên, liên tục thói quen sử dụng năng lượng hiệu quả, tiết kiệm gắn với bảo tồn tài nguyên năng lượng từ sản xuất công nghiệp, thương mại dịch vụ, giao thông vận tải, sản xuất nông ngư nghiệp cho đến tiêu thụ tại hộ gia đình nhằm cân bằng giảm phát thải khí nhà kính và hướng tới mục tiêu chuyển đổi tối đa sang năng lượng tái tạo./.