Ta biết rằng trong Thế giới thiên văn có 3 đơn vị thời gian thiên nhiên quan trọng, đó là:
Âm lịch có 28 ngày không? Năm nhuận âm lịch và dương lịch?
Năm Mặt trời biểu thị chu kỳ thời tiết, tức là chu kỳ quay của Trái đất xung quanh Mặt trời có độ dài bằng 365,242198...ngày (gần 365,25 ngày) - Lịch Dương.
Tháng Mặt trăng biểu thị chu kỳ quay của Mặt trăng xung quanh Trái đất có độ dài bằng 29,5... ngày - Lịch Âm.
Ngày là thời gian ánh sáng Mặt trời trở lại do nguyên nhân Trái đất tự quay quanh mình vừa tròn một vòng.
Như vậy, tháng âm lịch không có 28 ngày mà sẽ có 29 hoặc 30 ngày.
Nhuận của dương lịch
Là để khắc phục phần lẻ của năm Mặt trời (0,242198... ngày) do chưa đưa vào để xếp lịch. Như vậy,mỗi năm dương lịch sẽ dư ra 6 giờ và sau 4 năm sẽ dư ra 24 giờ tương đương với 1 ngày. Ngày đó được quy ước là ngày 29 tháng 2 dương lịch. Năm đó được gọi là năm nhuận, được tính 366.
Nhuận dương lịch được cố định là ngày 29 tháng 2. Số năm nào chia hết cho 4 thì năm đó là năm nhuận.
Nhuận âm lịch
Là để khắc phục sự sai khác tháng Mặt trăng (tháng âm lịch) với quy luật thời tiết - chu kỳ thời tiết (năm dương lịch). Bởi vì, tháng âm lịch chỉ có 29-30 ngày, nên dẫn đến năm âm lịch chỉ có 354-355 ngày, ngắn hơn năm dương lịch trung bình 11 ngày; hay nói cách khác là năm âm lịch đi nhanh hơn năm dương lịch là 11 ngày, 3 năm nhanh hơn 1 tháng, 9 năm nhanh hơn một mùa.
Vì vậy, ngày đầu năm vào mùa Xuân thì 9 năm sau vào Hạ... Chính vì thế người đời xưa phải ăn Tết Nguyên Ðán vào đủ các loại hình thời tiết, không còn mang tính cổ truyền khí tiết của ngày Tết đượm sắc Xuân mới.
Ðể khắc phục tình trạng trên, người làm lịch đã phải tăng số ngày cho năm âm lịch bằng hình thức nhuận với quy ước là Thập cửu niên thất nhuận nghĩa là cứ 19 năm có 7 năm nhuận, năm nhuận âm lịch có 13 tháng.
Tháng nhuận âm lịch không cố định và cũng không dập khuôn là 3 năm sẽ có năm nhuận. Cứ 19 năm lại có một lần cách 2 năm thêm một tháng nhuận.
Ta lấy số năm dương lịch tương ứng chia cho 19, nếu số dư là một trong các số 0,3,6,9,11,14,17 thì năm đó sẽ nhuận âm lịch.
Tháng nhuận âm lịch được đặt vào các tháng không có Trung khí - khái niệm rút ra từ quy luật chuyển động của Trái đất và Mặt trời.
Người ta chia đường đi của Mặt trời giữa các chòm sao (gọi là hoàng đạo) ra 12 khoảng cách đều nhau tương ứng thời gian 1 tháng (gọi là 12 cung hoàng đạo) và quy định rằng Mặt trời cứ đi vào nửa cung hoàng đạo thì có một tiết tương ứng. Lúc Mặt trời bắt đầu đi vào đến cung hoàng đạo gọi là Trung khí (Trung có nghĩa là ở giữa). Còn lúc Mặt trời tối giữa cung hoàng đạo gọi là Tiết khí (Tiết có nghĩa là ngăn).
Một năm có 12 Trung khí (Xuân phân, Cốc vũ, Tiểu mãn, Hạ chí, Đại thử, Xử thử, Thu phân, Sương giáng, Tiểu tuyết, Đông chí, Đại hàn, Vũ thủy) và 12 Tiết khí (Thanh minh, Lập hạ, Mang chủng, Tiểu thử, Lập thu, Bạch lộ, Hàn Lộ, Lập đông, Đại tuyết, Tiểu hàn, Lập xuân, Kinh trập).
Trong một năm nhuận âm lịch, nếu có một tháng không có ngày Trung khí thì tháng đó là tháng nhuận. Nếu nhiều tháng trong năm nhuận đều không có ngày Trung khí thì chỉ tháng đầu tiên sau Đông chí là tháng nhuận. Tháng đầu năm (tháng Giêng) và tháng cuối năm (tháng Chạp) không bao giờ được lấy làm tháng nhuận âm lịch.